LỊCH SỬ HÌNH THÀNH XÃ CHÍ MINH, HUYỆN TỨ KỲ,
TỈNH HẢI DƯƠNG
Xã Chí Minh được thành lập từ ba xã: Đông Kỳ, Tây Kỳ và Tứ Xuyên.
I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CŨ
1. Xã Đông Kỳ:
Xã Đông Kỳ, xa xưa còn gọi là Trang Đội An (Sắc lệnh của vua Đinh cho các thi tộc trong nước Đại Cồ Việt lập thành các trang đội thế kỷ thứ X), hay còn gọi là Làng Đùi, rồi sau đổi thành xã Toại An, xã chia làm 6 xóm là đơn vị hành chính; Đồng thời còn có tên gọi là tổng Toại An, tổng Toại An có 11 xã là: Toại An, An Nhân, la Tỉnh, La Giang, Mỹ Ân, Hữu Hiền, Quảng Xuyên, Gia Xuyên, Kim Xuyên, Ngưu Uyên và Đôn Giáo là một trong 8 tổng của Phủ Tứ Kỳ. Ngày 26 tháng 4 năm 1946, thực hiện Sắc lệnh số 63 của Chính phủ, các đơn vị hành chính cơ sở cũ (xã cũ) chuyển thành thôn, hợp nhất một số thôn thành lập xã mới (lúc đầu gọi là liên xã). Do thôn Toại An cùng với 5 thôn là: An Nhân, La Tỉnh, Hiền Sỹ, Kim Đới, Nhân Lý thành một đơn vị hành chính có tên là liên xã Chí Minh.
Sau cải cách ruộng đất khoảng giữa năm 1956 các xã to trong huyện được chia thành các xã nhỏ, xã Chí Minh được chia thành Đông Kỳ và Tây Kỳ. Xã Đông Kỳ có 2 thôn là Toại An và An Nhân, Ngày 07 tháng 11 năm 1997 thôn An Nhân được tách ra từ xã Đông Kỳ, thôn La tỉnh được tách ra từ xã Tây Kỳ để thành lập Thị trấn Tứ Kỳ. Xã Đông Kỳ còn lại thôn Toại An nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi cũ là xã Đông Kỳ. Thôn Toại An (Trước năm 1945 từng có 6 ngôi chùa gồm: chùa Duyên Khánh, chùa Rím, chùa Nhỉ, chùa Chỗ, chùa Sắn và chùa Diềng); 1 đình đặt ở vị trí xóm Me thuộc thôn Nam An; 3 ngôi miếu (miếu nhất hay còn gọi là Miếu Trần, Miếu Nhì hay còn gọi là Miếu Chỗ, Miếu Ba hay còn gọi miếu Cao Sơn), 1 văn chỉ, văn bia cổ nhất hiện còn biết đến có nhắc đến "Toại An xã bi ký" ở chùa Diên Khánh được khắc dựng năm Chính Hòa thứ 9 (1688).
 |  |
Chùa Duyên Khánh - Đông Kỳ | Miếu Trần - Đông Kỳ |
Ngày 05 tháng 01 năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định chia thôn Toại An của xã Đông Kỳ thành 4 thôn: Đông An, Tây An, Nam An và Bắc An. Xã Đông Kỳ có diện tích 3,88km2, dân số là 3.231 người (năm 2019).
2. Xã Tây Kỳ:
Thời thuộc Pháp 3 thôn Nhân Lý, Kim Đới, Hiền Sỹ là 3 thôn của xã Hữu Hiền thuộc tổng Toại An, Phủ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Ngày 22 tháng 11 năm 1945, thực hiện Sắc lệnh số 63 của Chính phủ về việc ấn định việc tổ chức cơ quan HĐND, ủy ban hành chính các cấp, các đơn vị hành chính cơ sở cũ chuyển thành thôn, hợp nhất một số thôn thành lập xã mới. Thôn toại An, An Nhân, la Tỉnh, Hiền Sỹ, Kim Đới, Nhân Lý hợp nhất thành xã Chí Minh.
Giữa năm 1956 xã Tây Kỳ được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Chí Minh, xã gồm các thôn: La Tỉnh, Kim Đới, Nhân Lý và Hiền Sỹ; thôn An Nhân và Toại An thuộc xã Đông Kỳ.
Tháng 10 năm 1967 do việc điều chỉnh địa giới hành chính cắt thôn Kim Xuyên thuộc xã Tứ Xuyên sáp nhập vào xã Tây Kỳ lúc này xã Tây kỳ gồm 5 thôn: Kim Đới, Nhân Lý, Hiền Sỹ, La Tỉnh và Kim Xuyên.
Thực hiện nghị định 76/CP Ngày 16 tháng 6 năm 1997 của chính phủ, về việc thành lập Thị trấn Tứ Kỳ. Ngày 07/11/1997 thôn La Tỉnh cắt về Thị Trấn, xã Tây Kỳ còn lại 4 thôn: Kim Đới, Nhân Lý, Hiền Sỹ và Kim Xuyên. Xã có diện tích 4,57km2, dân số là 4.009 người (năm 2019). Xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2017.
3. Xã Tứ Xuyên:
Xã Tứ Xuyên được thành lập gồm có 4 thôn: Gia Xuyên (Tức Thôn Dừa), Kim Xuyên (Tức Thôn Vội), Quảng Xuyên (Tức Thôn Gang) và thôn Ngưu Uyên. Tháng 10 năm 1967 Thôn Gia Xuyên cắt về Văn Tố, Thôn Kim Xuyên cắt về Tây Kỳ, xã còn lại hai thôn Quảng Xuyên và thôn Ngưu Uyên.
Thôn Quảng Xuyên được hợp lại bằng 2 làng là làng Bến và làng Gôi, thôn có 2 đình: Đình Gang và đình Đáy. Có 2 chùa: Chùa trên và chùa dưới. Đối bờ sông của thôn có một khu đất bồi gọi là khu Soi Gang, một số hộ của thôn sang đây sinh sống, khu đất này về sau được cắt về thôn Lập Lễ xã Thanh Hồn, huyện Thanh Hà. Quảng Xuyên đã từng nổi tiếng một thời với nghề làm chiếu cói.
Năm 1931 một số hộ sinh sống tại thôn Ngưu Uyên chuyển xuống khu đất bãi bồi ven sông sinh sống, hình thành các xóm gọi là xóm 5, xóm 6 và xóm 7. Cuối năm 1973 đầu năm 1974 các xóm 5,6,7 của thôn Ngưu Uyên do phân vùng giải lũ đựơc chuyển về trong đê trung ương, một số hộ đi xây dựng kinh tế mới hình thành nên thôn Trại Vực, các xóm còn lại gọi là thôn Làng Vực. Thôn có 1 đình thuộc Làng Vực. 2 chùa gồm chùa Chuối thuộc Trại Vực; Chùa Vực thuộc làng Vực (sau thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên chùa Vực được chuyển ra khu đất mới hiện nay). 01 miếu là miếu Hòn Ngọc hằng năm tổ chức lễ hội vào 12 tháng giêng âm lịch.
Toàn xã Tứ Xuyên có 3 thôn đó là: Quảng Xuyên, Làng Vực và Trại Vực. diện tích 6,19 km2, dân số của là 3458 người (năm 2019). Xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hải Dương và huyện Tứ Kỳ năm 2014.
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH XÃ CHÍ MINH
|

Bản đồ địa giới hành chính xã Chí Minh |
|
Trụ sở làm việc xã Chí Minh |
Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2019, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của ba xã: Đông Kỳ, Tây Kỳ, Tứ Xuyên thành xã Chí Minh. Diện tích đất tự nhiên 14,64 km2, dân số 10.698 người. Vị trí địa lý của xã Chí Minh giáp các xã An Thanh, Văn Tố, Thị trấn Tứ Kỳ, Bình Lãng, Quang Phục, và huyện Thanh Hà. Toàn xã có 19 chi bộ đảng, 526 đảng viên; 11/11 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa; 3 cấp học với 5 trường: 2 trường Mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS, 8 điểm trường. 2 điểm trạm y tế, 3 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Xã có đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua, đường 391D nối từ Thị Trấn Tứ Kỳ sang Thanh Hà. Tuyến đê Hữu sông Thái Bình dài 6,943km từ Bình Lãng đến Văn Tố thuộc tuyến đê Trung ương.
Nhân dân trong xã luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, có đời sống tinh thần phong phú. Trong kháng chiến chống xâm lược, nhân dân xã Chí Minh đã đóng góp không nhỏ tiền của, công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc, xã có 329 người con hy sinh, số thương bệnh binh hiện nay 147 (trong đó 82 thương binh, 65 bệnh binh), 43 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 56 người bị nhiễm chất độc hoá học,16 người bị bắt tù đày. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn xã.
Trường MN Chí Minh II
| |

|
|
|
| Trường tiểu học Chí Minh II | | | |
|
Chí Minh là xã thuần nông, mới sáp nhập bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít những khó khăn. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, không ngừng cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, cán bộ và nhân dân xã nhà luôn nỗ lực, phấn đấu đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đổi mới toàn diện đưa xã nhà lên tầm cao mới, đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đảng bộ xã Chí Minh quyết tâm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2021.
| |
Trường THCS Chí Minh |
Nguyễn Thị Xiêm - Phó bí thư thường trực Đảng ủy